“Nguyễn Viết Nam! Em có nghe giảng không đấy?”

Tôi rời mắt khỏi bầu trời cao vợi bên ngoài khung cửa sổ, dồn toàn bộ sự chú ý lên bục giảng. Nếu không phải đã quá quen thuộc với cách phát âm có phần “đặc biệt” của cô giáo, tôi chắc chắn đã ngơ ngơ tưởng rằng cô đang gọi ai khác chứ nhất định không phải mình. Thú thật tôi rất khổ tâm vì từ khi đặt chân đến đất nước này, chưa một ai phát âm đúng tên tôi cả.

“Em vẫn đang nghe ạ.” Tôi quả quyết.

“Thật sao? Vậy cho cô biết thế nào là hiển tượng đoản mạch?”

Tôi bối rối gãi đầu:

“Dạ thưa cô… Đoản mạch là kiểu người ta lấy kéo cắt đứt dây điện ấy ạ.”

Cô giáo dù đã cố mím chặt môi nhưng không thể giấu nổi nụ cười. Tiểu Thanh ngồi bên cạnh tôi cũng ôm mặt cười chảy cả nước mắt.

“Câu trả lời rất hay, nhưng mà sai mất rồi.” Cô giáo từ tốn.

Tôi nhớ hồi còn học ở Việt Nam, ngồi trong lớp cứ phải nơm nớp lo sợ bị giáo viên gọi, bị gọi thật rồi thì lại nơm nớp lo sợ mình sẽ trả lời sai, trả lời sai thật rồi thì trăm phần trăm thế nào cũng bị lũ bạn cười nhạo, xấu hổ đến mức chỉ ước mặt đất nứt ra để mình chui xuống. Bây giờ thì ổn rồi. Ở đây chẳng ai xét đoán tôi, sai có người sửa, đúng có người khen. Cuộc sống trôi qua giản đơn và nhẹ nhõm.

Tiểu Thanh bỗng níu lấy cánh tay tôi, đôi mắt cụp xuống ăn năn:

“Xin lỗi! Mình không cố tình cười cậu.”

Tôi khẽ nhún vai: “Không sao đâu”.

Ngàn vạn lần sai để đổi lại một nụ cười của bạn ấy cũng đáng mà.

Bạn ấy tên Từ Huệ Thanh, ngồi cùng bàn với tôi suốt hai năm nay. Tôi quen gọi bạn ấy là Tiểu Thanh hoặc Thanh Thanh. Không thể không thừa nhận tôi bị “cảm nắng” cô gái này ngay từ lần đầu chạm mặt. Không thích một người nhiều khi có thể giả bộ là đang thích người đó, nhưng khi đã thích một người, thực sự thích, thì từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt đều chẳng thể che giấu những yêu thương như lửa cháy trong tim.

Thời gian đầu đặt chân đến thành phố này, tôi chẳng khác nào chú cừu non lạc bầy, may mắn gặp được cô nàng sói xám không thích ăn thịt. Cuộc chạm mặt đầu tiên diễn ra như sau:

“Xin lỗi bạn! Mình khát nước muốn chết! Tại sao trong trường không có bình nước nào hết vậy?”

Tiểu Thanh nhìn tôi như người đến từ hành tinh khác, đưa tay chỉ vào chiếc vòi inox ở góc tường:

“Kia kìa bạn.”

“Gì cơ? Cái vòi rửa tay đó á?” Tôi ngạc nhiên lớn giọng.

Tiểu Thanh khẽ cười, để lộ chiếc răng khểnh duyên dáng.

“Chắc bạn mới đến hả? Ở Singapore nước sạch lắm nên có thể uống trực tiếp từ vòi.”

À ra vậy! Bây giờ tôi đã hiểu tại sao mấy đứa bạn ở kí túc xá cứ tủm tỉm cười mỗi khi tôi xách ấm đi đun nước.

Lần thứ hai gặp Tiểu Thanh, chúng tôi là những học sinh cùng lớp, hơn nữa còn ngồi cùng bàn. Tôi chưa bao giờ tin vào định mệnh, nhưng chắc hẳn phải có lý do nào đó khiến bạn ấy cứ xuất hiện trước mặt tôi như thế. Ban đầu chúng tôi cũng giống như những đôi bạn bình thương khác: Cùng học, cùng chơi, thỉnh thoảng lại chí chóe cãi nhau vì những lý do vụn vặt. Cho đến một ngày, khi trái tim ương bướng không còn chịu nghe lời, cứ mãi thổn thức khi đứng trước Tiểu Thanh, tôi quyết định thú nhận tình cảm của mình với bạn ấy:

“Tiểu Thanh, mình tuyên bố mình thích cậu.”

“Viết Nam, mình cũng tuyên bố mình không thích cậu.”

Bầu nhiệt huyết như ngọn lửa vừa nhen bị dội vào cả xô nước đá. Khó khăn lắm tôi mới gom đủ can đảm để nói ra lời thật lòng, ai ngờ lại bị từ chối một cách phũ phàng như thế, trong lòng không khỏi tuyệt vọng. Nhưng mà không sao! Thích cậu là chuyện của mình, vốn dĩ chẳng liên quan gì đến cậu. Hôm nay cậu không thích mình không có nghĩa là ngày mai cậu không thích mình. Ngày mai cậu không thích mình không có nghĩa là cả đời này sẽ không thích mình. Mình nhất định sẽ đợi được đến ngày cậu hồi tâm chuyển ý.

Trái tim đã hạ quyết tâm nhưng lý trí vẫn cố chấp. Tôi không thèm nói chuyện với Tiểu Thanh nhiều tuần sau đó, thậm chí còn nằng nặc đòi bố cho trở về Việt Nam.

Bố tôi sở hữu một công ty lớn kinh doanh trong lĩnh vực điện máy. Tầm nhìn chiến lược trong mấy năm tới sẽ mở rộng thị trường sang Singapore nên ông quyết định đưa cả gia đình qua đây sinh sống. Lý do ông đưa ra thuyết phục đến mức không cho hai mẹ con tôi chút cơ hội phản kháng nào: “Gia đình phải ở bên nhau!”

“Bố! Con muốn về Việt Nam.”

“Ơ, đang yên đang lành sao lại muốn về?”

“Ở đây buồn lắm!”

Tôi xị mặt xuống. “Buồn” ở đây đồng nghĩa với Tiểu Thanh không còn quan tâm tôi nữa. Thật khó khăn khi thế giới của bạn đột ngột chuyển hướng vì ai đó. Giữa ngàn vạn khuôn mặt, tôi chỉ nhìn thấy duy nhất bạn ấy.

Bố vẫn không rời mắt khỏi màn hình máy tính, tiếp tục cặm cụi gõ phím:

“Buồn cũng phải chịu.”

“Không chịu.” Tôi vùng vằng.

“Không chịu thì anh tự về đi, phiền quá!”

Ông gắt gỏng, đẩy tôi ra khỏi phòng. Cánh cửa đóng sập trước đôi mắt thơ ngây. Khoảnh khắc ấy tôi chợt nhận ra gia đình không nhất thiết phải ở cùng nhau như lời bố nói. Thân xác ông dù ở bên mẹ con tôi, nhưng tâm trí lúc nào cũng dành cho công việc, càng gần càng xa. “Ở cùng nhau” như thế có nghĩa lý gì đâu, chẳng thà xa xôi ngàn dặm, một tháng gửi vài cái email, viết vài dòng tin nhắn có khi còn thấy ấm lòng.

***

Tiểu Thanh vẫn cương quyết không chịu mở miệng nói chuyện. Tôi từ chỗ là kẻ khơi mào cuộc chiến, nay phải bám theo cô ấy xin lỗi từ sáng tới chiều.

“Thanh ơi, đừng giận nữa mà!”

“Ai thèm giận cậu?” Tiểu Thanh vừa nói vừa hí hoáy viết bài.

“Thế thì nhìn mình một cái đi.” Tôi ngó xuống năn nỉ.

Tiểu Thanh hừ một tiếng rồi ngẩng đầu nhìn tôi, đôi môi cong lên hờn dỗi. Mắt bạn ấy trong suốt như sương mai, ánh nhìn ngưng đọng, nhanh chóng bốc hơi khi bị mặt trời chiếu rọi… Tôi thấy mình nhẹ nhõm thở phào.

Thời gian chảy trôi chớp mắt đã hai năm. Hai mùa nắng phơi mình trên đất khách giúp tôi hiểu rằng, vẻ đẹp của Hà Thành tuyệt chẳng thể tìm thấy trong những phồn hoa đô hội: Một quán nước ven đường, một lò ngô nướng giữa đêm đông rét căm, một chiếc ghế đá sứt mẻ màu thời gian… Bình dị vậy thôi, nhưng mến thương vô hạn. Quê người tuy hiện đại thật, hào nhoáng thật, suy cho cùng cũng chẳng phải “của mình”. Mình chỉ là vị khách ghé ngang, tìm thứ mình cần rồi khăn gói rời đi. Nhưng vị khách ấy không ngờ, khi tìm được rồi, cũng là lúc muốn gắn bó mãi mãi. Chưa xa đã nhớ. Từ nếp gấp thời gian nào đã coi nơi này như ngôi nhà thứ hai?

Gần một tuần Tiểu Thanh không đến lớp. Chỗ ngồi trống trải bên cạnh gieo vào lòng tôi khoảng lặng mênh mang. Trái tim vỡ ra một mảnh, rơi mất đâu đó, tôi đi tìm lại bằng cách bấm số gọi bạn ấy.

“Tiểu Thanh, cậu vẫn ổn chứ?”

“Mình… ổn.”

Giọng nói yếu ớt truyền qua điện thoại, khản đặc như tiếng băng đá vỡ tan. Tôi không còn giữ được bình tĩnh, một mạch chạy tới nhà bạn ấy dù trời đã tối mù. Sau những hồi chuông liên tiếp, Tiểu Thanh xuất hiện phờ phạc, khuôn mặt xanh nhớt không chút sinh khí.

“Cậu bị ốm sao không nói với mình?”

Tôi buông lời trách móc, đỡ tay dìu bạn ấy trở lại phòng.

“Tại sao mình phải nói với cậu? Chúng ta có là gì của nhau đâu.”

Biết rồi, nhưng có cần nói toạc ra như thế không. Tôi cúi đầu giấu hết sạch nỗi buồn.

“Bố mẹ cậu đâu? Sao để cậu ở nhà một mình thế này?”

Tôi đưa mắt nhìn bốn phía căn nhà tĩnh mịch, bóng tối thăm thẳm đi qua võng mạc bị chặn đứng bởi nụ cười nhuộm màu ánh nến ấm áp, trên hai bức di ảnh.

“Đó là… một tai nạn.”

Từng câu chữ thều thào thốt ra như sự sống bị rút cạn. Mắt bạn ấy bỗng đỏ hoe, ừng ực nước. Tôi bất giác nắm chặt bàn tay nhỏ xinh, cảm giác mình là kẻ tội đồ đáng bị đày xuống mười tám tầng địa ngục.

“Xin lỗi cậu! Mình… không biết.”

Tiểu Thanh khe khẽ lắc đầu, ý bảo không sao. Rồi bạn ấy kiệt sức nằm xuống giường.

“Mình mệt quá!”

“Ừ, cậu nghỉ đi, không cần để ý mình.” Tôi thở dài một tiếng.

Đôi mắt Tiểu Thanh từ từ khép lại, xong bất chợt mở ra, giọng nói nhỏ nhẹ:

“Cậu đừng đi, ở lại với mình một lát được không?”

Tôi trầm mặc nhìn bạn ấy, gật nhẹ một cái:

“Một lát hay mãi mãi, mình đều bằng lòng.”

Tiểu Thanh mỉm cười yếu ớt, khép mắt rồi nhanh chóng thiếp đi. Tôi ngồi bên giường nhìn bạn ấy chăm chăm, căng thẳng như người đang nhón chân đi trên lớp băng mỏng. “Nếu lúc trước người gặp được không phải là cậu, liệu có phải sẽ vĩnh viễn chẳng gặp được nhau?” Tôi vừa nghĩ vừa nhẹ nhàng chạm vào trán bạn ấy. Tiếp xúc thoáng qua cũng đủ khiến da thịt bỏng rát, vội vã rụt về. Tôi hốt hoảng chạy đi, vò liên tiếp hai ba chiếc khăn ướt.

“Mẹ… Mẹ ơi…”

“Mẹ đừng đi!”

Trong cơn mê sảng, Tiểu Thanh không ngừng gọi mẹ, cơ thể run lên bần bật từng hồi. Tôi nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn của bạn ấy, để những ngón tay đan siết vào nhau. Gió đêm vi vu thổi, nước mắt lặng lẽ rơi. Tôi chợt hiểu lạnh lùng chỉ là lớp vỏ bọc. Con người bề ngoài càng tỏ vẻ kiên cường, nội tâm lại càng yếu đuối và mang nhiều tâm sự.

Gục đầu xuống bên giường.
Nghiêng người chầm chậm hít thở…
Thế giới chỉ còn lại một màn sương yên tĩnh.
Trước khi bạn ấy đến, khiến mặt đất dưới chân đột ngột lún sâu, cuốn phăng tôi vào những khả năng vô tận.
Dù là ngửa cổ uống một chai nước khoáng, hay dùng ống tay áo thấm những giọt mồ hôi, bạn ấy vĩnh viễn xa cách vạn dặm, như chìm đắm trong một chiều không gian tách biệt.
Có những người xuất hiện, chỉ để trở thành giấc mộng của người khác.

Tỉnh dậy sau giấc ngủ quên. Tôi ngẩng đầu, bắt gặp gương mặt Tiểu Thanh ẩn hiện trong nắng sớm. Ánh bình minh dịu dàng lan tỏa khắp căn phòng. Má bạn ấy vô cớ phớt hồng, đôi mắt đặt lên tôi yên tĩnh mà xao động:

“Mặt mình có nhọ à?” Tôi hỏi.

Tiểu Thanh lắc đầu, chỉ chỉ vào đôi bàn tay đang đan vào nhau. Tôi cuống quít buông ra, vội vàng giải thích:

“Hôm qua cậu…”

Tiểu Thanh đặt ngón trỏ lên môi tôi, giữ chặt những lời chưa nói:

“Không cần giải thích. Mình hiểu mà!”

Tôi thở ra nhẹ nhõm, vừa nói vừa đứng dậy:

“Cậu đỡ nhiều rồi, vậy mình về đây.”

Tiểu Thanh níu lấy cánh tay tôi, ngập ngừng mãi mới thốt ra câu: “Cám ơn cậu!” Tôi còn chưa kịp vui mừng thì bạn ấy đã nói tiếp:

“Nhưng Nam này, cậu đừng quan tâm mình nữa được không? Mình rất… bình thường, không phải người phù hợp với cậu.” Tiểu Thanh không dám nhìn thẳng tôi, đôi mắt cụp xuống lảng tránh.

Tôi ngây người khi hiểu ra tất cả. “Bình thường” và “không phù hợp” luôn là ngôn từ để nhận diện bố tôi. Chuyện này vẫn thường xuyên lặp lại mỗi khi tôi kết thân với ai đó. Như một lời nguyền đeo bám suốt thời thơ ấu, tôi lớn lên chịu đựng và đơn độc, không có nổi một người bạn bên cạnh mình.

Tôi đáp lại đề nghị của bạn ấy: “Mình cũng chẳng thích những người không bình thường. Còn phù hợp hay không, không phải cậu nói là được.”

***

Về nhà, tôi chạy thẳng vào phòng làm việc của bố.

“Bố, bố lại nói gì với bạn con đúng không?”

“Ai dạy anh cái thói vào phòng không gõ cửa thế hả?”

“Bố trả lời con đi đã.”

“Ai? Con bé ngồi cùng bàn với anh à? Tôi nói thế là còn nhẹ đấy. Mới tí tuổi đã bày đặt yêu đương. Khôn hồn thì tập trung học hành đi.”

Máu trong người sôi lên, tưởng có thể bốc hơi ra ngoài. Tôi ấm ức hét lớn:

“Bố biết quan tâm con từ bao giờ thế?”

Vừa dứt lời, má tôi đã hằn lên năm vết ngón tay đỏ ửng.

“Thằng ranh, anh dám vì một người ngoài mà cãi tôi? Hôm nay tôi nói cho anh rõ: Một là học hành tử tế, hai là ngay ngày mai xếp hành lý trở về Việt Nam. Tôi xem anh có thể vương vấn con bé đến bao giờ.”

Nước mắt ứa ra, chảy lạnh gò má, tôi hờ hững buông ra mấy chữ rồi bỏ đi:

“Có chết con cũng không về!”

Tôi chạy đến bên Tiểu Thanh, bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Bạn ấy chỉ nhẹ nhàng ôm lấy tôi, nói bằng giọng vỗ về:

“Thật ra Nam rất may mắn. Mình muốn bị bố mắng còn không được nữa.”

Tim tôi thắt lại, chợt thương bạn ấy đến quên cả khóc. Tiểu Thanh bảo ấm ức của một người nhiều khi lại là ước mơ của người khác. “Nên đừng giận bố cậu nữa. Bác trai chỉ vì quan tâm cậu thôi mà.”

Tôi siết cái ôm chặt hơn, để nước mắt rơi trên vai bạn ấy.

“Được rồi, mình nghe cậu. Tất cả đều nghe cậu…”

Cậu là cô gái ngốc nghếch nhất mình từng biết, lúc nào cũng tự nhận phần thua thiệt về mình, trong khi không ngừng tìm kiếm những điều tốt đẹp ở mọi người.

***

Thời gian âm thầm bước qua. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã đi đến năm học phổ thông cuối cùng. Tôi cứ ngây ngô nghĩ rằng mình đã trưởng thành rồi, nhưng sự thật thì con người mãi mãi chỉ là những đứa trẻ khi đứng trước người thầy cuộc sống, càng gắng sức học hành càng nhận ra nhiều khiếm khuyết từ bản thân, cố sức vùng vẫy trong lồng giam của tiền bạc, danh vọng, ôm ấp mộng tưởng cá chép hóa rồng, cuối cùng nhắm mắt xuôi tay trong nỗi hồ nghi mình thực sự muốn gì, cần gì.

Tôi cũng bắt đầu tự hỏi: “Mục đích đến với thế giới của mình là gì?”

Vào kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh, chúng tôi rủ nhau đến vịnh Marina chơi. Tôi háo hức kéo Tiểu Thanh leo lên vòng đu quay khổng lồ Singapore Flyer. Từng vòng quay êm đềm trôi mãi như dòng thời gian, nhấc bổng hai đứa đến gần với bầu trời. Hoàng hôn nhuộm đỏ những đám mây. Thành phố dưới chân chúng tôi cũng càng lúc càng trở nên nhỏ bé…

Lúc gió mạnh thổi đập vào cabin, tôi bật cười khi trông thấy Tiểu Thanh nhắm nghiền mắt, chân tay cứng đơ.

“Mình không biết cậu sợ độ cao.” Tôi bảo.

“Ai bảo mình sợ?”

“Thế thì cậu mở mắt ra đi.”

“Mở thì mở.”

Đôi mắt trong vắt như hồ nước từ từ hé mở, nhưng vẫn chẳng dám nhìn ra phong cảnh bên ngoài.

“Nhỡ may cái này rơi xuống thì sao?” Tiểu Thanh nhìn tôi lo lắng.

Tôi hắng giọng, giả bộ làm mặt nghiêm túc:

“Nếu có rơi thật thì… đường xuống địa ngục có mình đi cùng. Ít nhất cậu sẽ không cô đơn.”

Tiểu Thanh lắc mạnh đầu, nhăn nhó đánh tôi mấy cái:

“Ghê quá! Cậu đừng nói nữa.”

“Mà muốn xuống địa ngục thì cậu xuống một mình nhé, mình sẽ lên thiên đàng.”

Tôi phì cười, lơ đãng phóng mắt vế phía những tòa cao ốc sáng rực.

Bất kể là ba tấc thiên đường hay mười tám tầng địa ngục, mình cũng muốn ở bên cậu.

Tiểu Thanh nghiêng đầu trìu mến, giống như vừa đọc được suy nghĩ trong đầu tôi. Mái tóc ngang vai buông xõa, bồng bềnh sáng nhẹ trong ráng chiều. Tôi liền bối rối chuyển chủ đề:

“Năm nay tốt nghiệp rồi, cậu có dự định gì chưa?”

“À… Dì mình có một quán cơm gần trung tâm. Mình định sau khi tốt nghiệp sẽ qua phụ giúp dì.”

“Hả? Cậu không muốn vào đại học sao?” Tôi ngạc nhiên.

Tiểu Thanh tư lự nhìn trời:

“Muốn chứ! Nhưng mình phải dành dụm đủ tiền trước đã.”

Phải rồi, tôi quên mất bạn ấy chỉ có một thân một mình, trong khi chúng tôi đang sống ở một thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới. Hai hàng chân mày hơi nhíu lại, biết đến bao giờ bạn ấy mới kiếm đủ tiền đây: Một năm, hai năm, hay ba năm? Cuộc sống vài chục năm ngắn ngủi, tôi chẳng đành lòng nhìn người mình thương bỏ lỡ khoảng thời gian tươi đẹp nhất…

“Để mình giúp cậu nhé, được không?” Tôi tha thiết đề nghị.

Bạn ấy gượng cười, khẽ lắc đầu:

“Mình hiểu cậu đang nghĩ gì, nhưng mình không muốn dựa dẫm vào người khác.”

Mặt trời lặn sâu, để lại màu cam rực sáng xa xa phía chân mây. Ánh mắt kiên định của Tiểu Thanh in hằn lên trái tim. Tôi mấp máy định nói gì đó xong lại thôi. Chiếc đu quay khổng lồ khó nhọc chuyển mình thực hiện vòng quay cuối cùng. Độ cao từ từ hạ xuống, thế giới bên dưới từng mảnh, từng mảnh dần dần hiện lên với những đường nét vốn có. Sừng sững đến rợn người.

***

Sau kỳ thi tốt nghiệp, tôi quyết định tìm gặp bố. Lần này, tôi thận trọng gõ cửa đủ ba lần, đợi bố lên tiếng mới mở cửa bước vào trong.

“Bố! Con có chuyện này…”

“Chuyện gì?”

“Bố có thể giúp Tiểu Thanh không? Bạn ấy…”

Bố giơ tay ra hiệu tôi không cần nói nữa, sau đó mở ngăn kéo, lấy ra một tấm séc đặt lên bàn. Bằng giọng nói trầm ngâm, bố kể về những khoản đầu tư cá nhân thua lỗ buộc ông phải bán hết cổ phần công ty để bù đắp, cuối cùng chỉ còn lại số tiền này để tôi vào đại học.

“Nó là của con, dù con quyết định thế nào, bố sẽ không phản đối.”

Tôi đứng lặng nhìn bố, chợt nhận ra mái tóc ông đã bạc đi nhiều, những nếp nhăn hằn trên khuôn trán ngày càng rõ nét.

“Sau này bố tính thế nào?”

Ông nhìn tôi bằng ánh mắt ấm áp:

“Bố muốn chúng ta trở về Việt nam, trở về làm một gia đình bình dị nhưng hạnh phúc.”

“Tất nhiên, nếu con muốn ở lại học tiếp…”

Tôi cười hắt ra, quệt vội những giọt nước mắt nghẹn ngào vì vui sướng:

“Không cần suy nghĩ nữa bố ạ. Gia đình phải ở cùng nhau!”

Nửa đời chạy theo tiền bạc danh vọng, chạy đến mệt nhoài vẫn không thoát khỏi vạch xuất phát. Tôi tiếc nuối tâm huyết bố bỏ ra suốt bao năm, nhưng rất vui vì cuối cùng ông đã nhận rõ bản thân thực sự muốn gì.

Tôi rời khỏi phòng, mang theo tấm séc cùng nụ cười rạng rỡ trên môi. Tôi muốn đi ăn cơm – một quán cơm gần trung tâm.

***

Điện thoại đổ chuông đúng lúc tôi đang lê lết kéo vali vào sảnh chính sân bay. Thoáng nhìn tên người gọi, tôi phân vân một hồi, lý chí bảo đừng nghe nhưng trái tim chẳng đành lòng không từ mà biệt. Tôi bấm nút trả lời, nghe giọng Tiểu Thanh hào hứng reo lên:

“Cậu sẽ không tin đâu! Dì bảo mình có thể vào đại học ngay trong năm nay.”

Tôi giả bộ tỏ ra bất ngờ:

“Thật sao? Chúc mừng cậu! Cố gắng học tốt nhé.”

“À! Mình vẫn chưa biết cậu sẽ thi trường nào.” Tiểu Thanh tỏ ra hiếu kỳ.

Ngày căng tràn màu nắng chẳng thể khiến đôi mắt tôi bớt phần ảm đạm:

“Không trường nào cả! Mình sẽ trở về Việt Nam.”

Đầu dây bên kia chợt lặng thinh. Tôi thu hết cảm xúc vào trong, lắng nghe trái tim thổn thức rung lên từng nhịp sau lồng ngực. Ngày tháng tĩnh lặng miên man, vậy mà chớp mắt đã ba năm kể từ cuộc chạm mặt đầu tiên. Tiểu Thanh, cậu biết không, ba năm đi bên cậu là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong đời.

“Khi nào Nam đi?” Lời thì thầm rung lên phía bên kia ống nghe.

“Hôm nay. Mình đang ở sân bay rồi.”

Tôi chẳng nghe thấy gì nữa ngoài những tiếng “tút tút” liên hồi.

Nửa tiếng sau, Tiểu Thanh xuất hiện trước mặt tôi, cánh tay liên tục đập đập lên ngực hòng trấn áp nhịp thở gấp gáp.

“Bạn bè kiểu gì thế hả? Đi mà không thèm nói với mình một tiếng.”

Tôi ngây ngất gắn chặt tia nhìn lên người con gái trước mặt. Khuôn mặt này, nụ cười này, và cả cái bĩu môi ương bướng ấy, sau hôm nay liệu tôi có còn cơ hội thấy lại? Tôi sợ đến một ngày cảm tình dành cho bạn ấy không chống lại được sự tàn phá khốc liệt của thời gian. Tôi sợ bản thân sẽ quên, hoặc là không thể nhớ được nữa.

“Này, cậu nói gì đi chứ!” Tiểu Thanh huých nhẹ vào vai tôi.

“Mình sợ gặp cậu rồi sẽ không đành lòng đi nữa, cho nên…”

Lời còn chưa nói hết, bạn ấy đã thổn thức ôm chầm lấy tôi. Từng giọt nước mắt lã chã rơi trên ngực áo, thấm lạnh cả trái tim.

“Nếu bây giờ mình nói, cậu hãy ở lại…”

“Muộn rồi Thanh à! Chúng ta đã bỏ lỡ rồi…”

Cổ họng nghèn nghẹn như có tảng đá chắn ngang, tôi ôm bạn ấy chặt hơn, cảm giác hụt hẫng cuộn trào giống như vừa đánh rơi điều gì quan trọng.

“Cậu sẽ trở lại thăm mình chứ?”

Nắng cố chấp xuyên qua ô kính trên cao, đáp xuống gương mặt Tiểu Thanh nhạt nhòa đẫm lệ. Tôi mỉm cười gật đầu, gắng gượng nhen nhóm ngọn lửa hồng từ trong băng tuyết lạnh lẽo. Tình trạng gia đình tôi hiện giờ thê thảm đến mức không đủ tiền mua một chiếc vé khứ hồi. Hôm nay nước mắt bạn ấy rơi vì tôi. Lần sau gặp lại, có khi bạn ấy đã con cháu đề huề, rồi chẳng còn nhận ra ai là ai nữa. Nhưng có sao đâu, năm tháng hồn nhiên thử dối gian một lần cũng tốt, để sau này tôi và bạn ấy có thể nhớ về nhau bằng những kỉ niệm đẹp đẽ nhất.

Tôi kéo chiếc vali nhỏ từ từ bước đi, thỉnh thoảng ngoảnh lại đằng sau nhìn Tiểu Thanh. Ký ức như dòng nước mát lành chảy qua trái tim khô héo. Tôi từng chạy khắp trường tìm một bình nước, nhưng tìm hoài không được. Bạn ấy từng nắm chặt bàn tay tôi trong cơn mê, miệng không ngừng gọi mẹ. Tôi từng ngỏ lời, bạn ấy từng cự tuyệt. Chúng tôi từng giận hờn vu vơ như những đứa trẻ, cũng từng nghiêm túc nói về tương lai như những kẻ trưởng thành.

Trong khoảnh khắc một cái quay đầu ấy, tôi mơ hồ trông thấy những giọt nước mắt hóa thành khói bay vào nắng trong veo. Bạn ấy đứng yên đó, cánh tay giơ lên cao không ngừng huơ đi huơ lại, nụ cười nhẹ bẫng như mây tan trên bờ môi phớt hồng.

Tạm biệt Tiểu Thanh, tạm biệt tuổi thanh xuân của mình.

Đừng quên mình nhanh quá, được không?

| Xu | Raxu Nguyễn

Về tác giả

| Xu |

Author & Founder

Either 10 or 0. Số 10 hoặc số 0. Không có trường hợp khác | Tin tưởng: Những điều tốt đẹp, chỉ cần đủ tốt đẹp, sớm muộn gì cũng sẽ được nhận ra.

Bài cùng tác giả