Mọi ngày ở Lặng đều bình yên như nhau. Quán nhỏ nằm dưới bóng mát của tán cây, bầu không khí lúc nào cũng thơm ngát mùi lá. Trên mỗi chiếc bàn vuông đặt một chậu bạc hà nhỏ. Tấm rèm từ một loài dây leo rủ xuống bên cầu thang dẫn lên tầng hai. Những chiếc ghế màu cốm non thiết kế theo phong cách Châu Âu, lúc xê dịch vang lên âm thanh chừng mực và nhã nhặn. 

Tôi đưa mắt về phía quầy phục vụ, chưa kịp giơ tay ra hiệu thì người nhân viên đã hiểu ý, nhanh chóng đem ra một tách cappuchinno nhiều sữa và một cốc sinh tố dưa hấu đá bào. Bỏ qua vài ánh mắt dò xét kín đáo, tôi đẩy cốc sinh tố về phía đầu bàn đối diện, nơi chiếc ghế trống vẫn đợi một người. Nếu em ở đây, hẳn em sẽ dùng thứ giọng nói ngọt ngào run rẩy ấy thuyết phục tôi như bao lần:

“Này, anh đừng chọn đồ có caffein nữa. Hãy uống sinh tố, như em!”

Âm nhạc vọng xuống từ chiếc loa nhỏ, giọng hát Lê Cát Trọng Lý êm đềm lan tỏa như giấc mơ ngờ nghệch thuở thiếu thời:

Ta hứa sẽ nhận ra
Ta đã yêu nhau từ lâu…

Lý hát đến đó, tôi lại nhớ em da diết.

Có lần ngồi đối diện nhau ở Lặng, em thì thầm kể rằng mình rất rất thích Lý. Nhạc của Lý như dòng sông chảy âm thầm, miên man bất tận, đứng trên bờ nhìn xuống nhất thời không nhận ra điểm nào đặc biệt, vì miên man và bất tận quá. Tôi xoa đầu em bảo: “Sau này em làm nhà phê bình âm nhạc được đấy!”. Em cười hớn hở như được nghe một lời khen, đột nhiên cầm lấy bàn tay tôi vu vơ ngắm nghía, miệng lẩm nhẩm hát theo Lý:

Ta hứa sẽ nhận ra
Ta đã yêu nhau từ lâu
Ta hứa sẽ tìm nhau
Đến vạn muôn kiếp sau…

Lần cuối cùng tôi nắm tay em, tay em lạnh và xanh xao lắm, khác hẳn lần đầu tôi chạm vào bàn tay ấy. Nhưng tôi gặp em từ khi nào, thân quen em ra sao nhỉ? Tôi không còn nhớ nữa. Hình như vừa mới hôm qua thôi, hay từ rất lâu về trước, trước cả khi tôi nhận ra tôi? Tôi không giải thích nổi tại sao mọi thứ về em đối với tôi đều vô cùng mờ nhạt, tựa hồ có một màn sương che khuất những chi tiết quan trọng nhất, khiến tôi không cách nào thấu suốt toàn bộ câu chuyện.

Nhớ thương ai đó là chuyện quá đỗi bình thường, nhưng nhớ không rõ tại sao nhớ, thương không rõ lý do thương, thì rất đáng sợ. Tôi cho rằng mình chẳng biết gì về em, nhưng cảm giác lại giống như đã biết tất cả. Thế rồi, cơn gió mùa Xuân nặng trĩu hơi nước ào qua khung cửa. Tôi bắt đầu nhớ ra…

Em và tôi ngồi cạnh nhau giữa lớp luyện thi mùa Hè uể oải. Tôi nghe tim mình đập thỉnh thịch từng nhịp nóng ran. Em bày hết sách vở lên bàn, vươn vai hít một hơi sâu: “May quá anh, mùa Xuân qua rồi!”.

Em hơi nhăn mặt khi nhắc đến mùa Xuân ẩm ướt, nền nhà đổ nước trơn trượt làm em té ngã mấy lần. Cái kính của em luôn ở trong trạng thái mờ mờ ảo ảo, cách mười phút lại phải tháo xuống lau sạch hơi sương. Em nói mình bị cận, mắt trái 3 độ, mắt phải 4 độ. Tôi tỏ ra đôi chút ngạc nhiên. Em liền hỏi:

“Sao thế anh?”

“À, trùng hợp nhỉ. Anh cũng bị cận giống em. Mắt trái 3, mắt phải 4.”

Em nghiêng đầu cùng thắc mắc:

“Nhưng em có thấy anh đeo kính bao giờ đâu?”

Tôi gật đầu xác nhận: “Anh không thích đeo kính.”

Bởi vì đeo kính rất vướng víu. Lúc nhỏ, bố mẹ thường hay so sánh tôi với một gã đeo kính, mọi lần gặp hắn đều xuýt xoa: “Ước gì thằng… nhà cô/chú bằng một nửa của cháu”, đâm ra tôi không mấy thiện cảm với cái kính, rồi dần dần “ghét lây” cả những người đeo kính. Nhưng em là ngoại lệ.

Em hiền lành và hồn nhiên như chiếc lá xanh. Em xinh đẹp dịu dàng, lẽ dĩ nhiên được nhiều người theo đuổi. Họ tặng em hoa hồng, giấu gấu bông xanh đỏ dưới ngăn bàn học, viết cả thư lãng mạn lén bỏ vào cặp em. Em ngại ngần nhưng hiền lành quá, từ chối hoài không được. Nên em nhận quà, rồi đưa hết quà cho tôi.

“Anh, anh giữ hộ em nha!”

Một tuần có bảy ngày, tôi chỉ mong đến buổi tối được ngồi cạnh em. Lớp luyện thi nằm ở vùng ngoại ô, rất gần hồ nước ngọt nên những cơn gió luôn mát. Bóng đêm vời vợi thấm hút hết mọi âm thanh, chỉ để lại tiếng giảng bài âm vang của người thầy giáo đầu hai thứ tóc. Không gian nhỏ nhuộm màu ánh điện vàng. Cái kính của tôi im lặng ngả lưng lên mặt bàn chi chít nét bút, ngăn giữa tôi và em. Đột nhiên em nghiêng sang tôi, vai gầy khẽ chạm, giọng nhỏ thì thầm như sợ thầy phát hiện.

“Anh, hôm qua em lỡ làm mất kính. Em mượn kính của anh nha?”

“Ừ, anh không dùng đâu. Em giữ luôn cũng được.”

Em tỏ ra lưỡng lự: “Như thế ổn không? Anh vẫn thấy được xe cộ trên đường và chữ viết trên bảng chứ? Anh vẫn nhìn rõ em chứ?”

Tôi bật cười vì nỗi sợ ngây ngô, vươn tay chạm nhẹ lên má em. “Anh bị cận chứ có mù đâu. Đứng xa không thấy thì lại gần là được rồi.”

Thủy tinh chạm đất nghe như tiếng thời gian đổ vỡ. Tôi thoáng giật mình, hướng sự chú ý về cô nhân viên đang cầm chổi thu gom những mảnh vụn trong suốt. Gương mặt cô méo mó tưởng chừng sắp bật khóc đến nơi. Vậy mà Lý “ác” lắm, Lý hát ngay khi cả thế giới đang buồn…

Ta hứa sẽ nhận ra…
Ta đã yêu nhau từ lâu.

“Đừng lo, anh hứa sẽ nhận ra em mà.”

Tôi chắc chắn mình từng thầm nhắc, vào một buổi sáng, buổi trưa, buổi tối nào, lúc Lý lên tone đoạn điệp khúc, biến quán quen thành vườn địa đàng với những lời nguyện cầu thầm thì chỉ đủ cho một người nghe, khi vạt nắng mùa Hè ngập ngừng chạm lên song sắt cửa trắng màu bụi phấn, khoảnh khắc đôi vans đỏ rực như lửa cháy lan về cuối lớp, em đột ngột quay ngược trở lên, dừng lại kế bên tôi. Hàng trăm buổi chiều hoàng hôn đan tay nhau bước dọc con đường ngoại ô bình yên như hơi thở. Hàng ngàn đêm dài giật mình ôm chăn bật khóc. Cuộc đời trở mình, quay mặt về phía nỗi buồn ngơ ngác và những mất mát, tiếng em tha thiết van xin, cắt khoảng tối trước mắt thành nhiều vùng trũng sâu hút.

“Ai đó làm ơn, làm ơn kéo tôi ra khỏi tháng ngày này.”

Tôi nhớ rõ ràng lời hứa sẽ nhận ra em, nhưng câu chuyện của em thì mơ hồ. Những mảnh ký ức rời rạc ghép lại không thể tạo thành khung hình hoàn chỉnh, nhưng đủ khiến trái tim thổn thức khôn nguôi.

Bây giờ ở Lặng, tôi ngồi nhìn thành phố qua vách kính cách âm trong suốt. Nỗi buồn treo lơ lửng trên cao, rơi xuống thành cơn mưa xối xả, trắng xóa. Hai bóng người mặc đồng phục cấp ba chạy ào vào quán, bước chân gấp gáp dẫn theo hơi nước mát lành.

“May quá, suýt nữa thì ướt hết rồi, anh!”

Cô gái vuốt lại mái tóc ướt hơi rối, trong giọng nói như có ý vui. Chàng trai cúi xuống nở nụ cười trìu mến, khoác vai cô gái đi vào ngồi xuống một góc bàn nhỏ. Tôi bất giác đặt bàn tay lên ngực, nghẹn thở mất một giây.

Ngày hôm ấy như thước phim cũ chiếu lại trong đầu. Trời thì mưa, nước lạnh và tiếng Lý hát trong veo còn vương trên tóc hai đứa. Ly capuchinno dậy mùi caffein đơn độc, lá phong trắng mịn tạo hình từ lớp kem sữa từ từ bị tôi đánh tan bằng một động tác uể oải. Ở đầu bàn đối diện, em nhướn người hút một hơi sinh tố dưa hấu, hơi gằn giọng nhắc tôi đừng uống nhiều cà-phê kẻo đêm về mất ngủ, rồi quay lại dán mắt vào đống phương trình đang đợi cân bằng. Em vẫn dùng cái kính của tôi, tới đoạn bài khó thường đẩy gọng kính làm mặt ưu phiền. Trời tối rất nhanh, mưa tạnh, khách trong quán đứng dậy về hết, tiếng bút loạt soạt trên mặt giấy cũng biến mất.Lý hát Em đứng trên cánh đồng, phút chốc biến Lặng thành một cánh đồng hoang vu, im vắng, biến chúng tôi thành hai ngọn cỏ khẽ lay trong gió nhè nhẹ. Và khi gió ngừng thổi, hai ngọn cỏ tựa đầu vào nhau, giai điệu chợt rơi xuống quãng trầm ấm áp, có phần ít tự sự hơn. Em nép sát vào tôi và reo lên: “Anh, hình như bài hát mới của Lý”. Em kể dạo này hay bị mất ngủ, mỗi tối lên giường đều cần nghe Lý hát, giọng Lý như lời kinh mềm mại vỗ về, ru em vào giấc ngủ. Tôi chỉ khẽ “Ừ”, bỗng dưng thương em thắt lòng, rồi vòng tay ôm em thật chặt. Tôi ước mình có thể ôm em mãi mãi như thế, cho đến khi không còn có thể.

Đêm lạnh cóng, tôi đưa em về. Em thoáng giật mình khi thấy bóng mẹ đứng chờ trước cửa. Con đường đen ẩm ướt giăng đầy hơi mưa. Cô đứng im như một thân cây gần đó, gương mặt chìm trong bóng tối lạnh lùng. Tôi cúi đầu chào, cô chỉ gật đầu chứ không hề nói gì, có vẻ không được vui. Rồi cô mở cửa, kéo tay em đi vào nhà. Ánh sáng phòng khách hắt ra le lói cùng ánh mắt em bịn rịn. Em cứ ngoái lại nhìn tôi hoài. Và tự dưng tôi buồn như vừa đánh mất điều gì quan trọng.

Lớp luyện thi mùa Hè kéo dài tới cuối Thu, sang cả Đông. Mắt em thâm quầng, em ít nói hẳn, nhiều lần mắt kính nằm trên đầu mà cứ ngơ ngác hỏi kính của em đâu. “Anh tiếc nên đòi lại rồi phải không?”. Tôi bật cười xoa đầu em, nhìn trong mắt em nỗi buồn trong suốt. Tôi nghĩ em đùa, nhưng rồi một hôm em làm rơi tấm thẻ học viên xuống đất. Tôi nhặt được, tình cờ lướt qua các thông tin trên thẻ bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh… Hóa ra em kém tôi tận hai tuổi, tức là mới học lớp Mười. “Lớp Mười sao đã ôn thi đại học rồi?”. Tôi gặng hỏi, em chỉ nói là ý của mẹ, sau đó khéo léo lảng sang chuyện khác.

Giọt nước nào rơi xuống ly capuchinno đã nguội. Mọi âm thanh xung quanh mất hút, chỉ để lại tiếng vọng nơi đáy nước đánh thức vùng ký ức ngủ say. Tôi bất giác gọi thầm tên em, nước mắt rơi như cơn mưa ngoài trời đang vội.

Em…

Mọi thứ vẫn hệt như năm đó, chỉ là… em không ở đây.

Bất kể tôi gọi thật thầm hay hét lên thật lớn, em đều không nghe thấy nữa.

Tôi cứ ngỡ mình vừa ngắt một lá bạc hà, vò nát trong tay và thản nhiên rút qua mái tóc em êm mượt.

“Tóc em có mùi bạc hà nhờ anh, thơm lắm đấy.”

Em đẩy gọng kính, quay sang lườm tôi:

“Đừng nghịch, để yên cho em học.”

Em cắn bút, ngồi tập trung im ru, thế mà đôi tai vẫn nghe, bàn chân vẫn từ tốn gõ nhịp theo giai điệu bài hát. Lý hát bài nào cũng da diết, âm nhạc giản dị, xoa dịu mênh mang. Hàng ngàn phút giây tôi ngồi nhìn em dưới tiếng hát của Lý. Nắng bốn mùa rực rỡ ấm áp, mưa lớn đến đâu vẫn quá đỗi dịu êm. Hàng ngàn phút giây một mình tôi nằm giữa đêm tối, tay vắt qua trán, tâm trí cố sức nhớ ra một vùng trắng xóa dịu dàng, cuối cùng buông xuôi theo giấc ngủ mộng mị.

Có phép nhiệm màu nào đưa em tới đây? Em ngồi xuống trước cốc sinh tố đã tan hết đá từ lâu. Ngoài kia cơn mưa hòa lẫn bóng tối, em hé môi cười hiền và đẹp như hơi thở trong mưa. Tôi vừa chớp mắt, em liền vội vã biến mất, bỏ lại đây hương thơm của tóc em. Rồi cũng đến ngày những bài hát của Lý không an ủi được em nữa, em cuộn tròn trong lòng tôi nức nở:

“Anh, tim em loạn nhịp dù không đứng trước anh.”

Tôi vẫn mông lung, kiên nhẫn nghe em nói tiếp:

“Anh, em không thể ngủ, em sợ hãi vô cớ, em đang…” Giọng em nghẹn lại.

“Em đang sống trong một thế giới không ai chịu hiểu mình.”

Tôi muốn đặt câu hỏi nhưng sợ em càng buồn hơn. Nên tôi chỉ biết ôm em, mặc cho vai áo mình ướt đẫm. Mỗi lần em nấc lên thổn thức, tôi lại siết chặt vòng tay quanh em, rồi nói: “Đừng sợ, có anh ở đây rồi.”

Tháng trước, Lý ra mắt album mới, đặt tên rất hay: Không sao về bắt đầu. Hôm ấy ở Lặng, ngồi đối diện nhau qua chậu bạc hà nhỏ xanh xanh, em dường như quên hết nước mắt của ngày cũ. Em hào hứng khoe vừa mua album mới của Lý. Mỗi năm Lý đều đặn ra một album, không họp báo ồn ào, chẳng truyền thông rầm rộ, những người thương Lý sẽ tự động nhận ra Lý.

“Như anh sẽ luôn nhận ra em, đúng không?” Em nhìn tôi tha thiết.

Tôi gật đầu, lại vươn tay chạm nhẹ lên má em.

“Đừng lo, anh hứa sẽ nhận ra.”

“Nhưng biết đâu khoảng cách giữa chúng mình xa quá…” Em ngắt một chiếc lá bạc hà, cầm cuống lá xoay xoay giữa hai ngón tay mùa Đông.

“Anh lại bị cận, và chẳng bao giờ chịu đeo kính.”

Giọng em nghe xa vắng như vọng về từ một không gian khác. Không dưng tôi thấy lo lắng, bồn chồn. Tôi chợt nghĩ nếu cứ tiếp tục thế này, không khéo em sẽ khóc mất. Tôi thì chưa từng chịu được nước mắt em.

“Vậy em trả lại cái kính cho anh.” Tôi nói. “Từ giờ anh sẽ đeo kính. Anh sẽ nhận ra em dù chúng mình cách xa bao nhiêu.”

Một thoáng im lặng, cô gái của tôi khẽ gật đầu. Âm nhạc lại ngân lên từ góc nhỏ nào. Em tháo chiếc kính trên mắt em, đeo lên mắt tôi.

“Thế là em yên tâm rồi.”

Tôi không hiểu em yên tâm điều gì. Cách nói chuyện của em hôm nay rất kỳ lạ.

Buổi tối cuối cùng tôi đưa em về, trời mùa Đông lạnh cóng. Trên con đường vắng thênh thang lọt thỏm tiếng động cơ trơ trọi. Gió sượt qua vành tai tê buốt và mùi những nhành cây hăng hắc khơi lên nỗi bất an. Ở một ngã ba, tôi cố ý rẽ ngang để đi đường vòng xa hơn. Em ngồi phía sau luôn luôn im lặng, hơi thở em lạnh lẽo chạm vào lưng tôi. Tôi ước những con đường dài vô tận.

Khi xe dừng trước cổng nhà, mẹ em mở cửa bước ra. Cô hỏi em đi đâu giờ này mới về. Em cúi đầu lặng thinh. Cô lại hỏi em làm hết bài tập chưa, hôm nay ở trường được bao nhiêu điểm. Giọng cô sắc lạnh xuyên qua trái tim khiến tôi bối rối. Em thì vẫn chưa nói được gì. Cuối cùng, cô lắc đầu bỏ vào trong nhà.

Đợi cô đi khuất, tôi chạm nhẹ lên vai em. “Em ổn không?” Em ngước lên, nỗi buồn trong mắt lấp lánh như dải ngân hà. Em đưa hai tay chỉnh lại gọng kính cho tôi, rồi quay người lững thững bước đi. Tôi nhìn theo bóng lưng xuyên qua màn đêm liêu xiêu. Em mới đi được mấy bước, tôi đã bắt đầu thấy nhớ em rồi. Tôi buộc phải đuổi theo giữ em lại, nắm bàn tay em thật chặt, thật yên. Lần cuối tôi cầm tay em, tay em lạnh như mùa Đông lạnh, năm ngón tay nhỏ run rẩy bọc trong lớp da mềm mại, khớp xương mảnh mai, và những đầu móng tay màu hồng nhạt mong manh như cánh hoa anh đào. Em bảo:

“Em mệt rồi, anh. Em muốn ngủ một giấc dài.”

Và em cứ thế ngủ say, không tỉnh lại nữa…

Ký ức dội vào tim khiến tôi nghẹt thở. Nước mắt im lặng chảy dài, rửa trôi màn sương bao quanh vùng ký ức ngủ quên, trả lại tôi nỗi đau nguyên vẹn. Tôi nhớ ra tất cả, em và tôi. Tôi nhớ ra dáng mẹ em hao gầy đổ gục giữa bệnh viện trắng xóa. Tôi nhớ ra mình run rẩy chạm vào bàn tay em lạnh ngắt. Các bác sĩ kết luận căn bệnh tâm lý âm thầm phát triển qua nhiều năm, bắt nguồn từ áp lực học hành và mối quan hệ gia đình bế tắc, đến khi xuất hiện những triệu chứng vật lý rõ ràng: tim loạn nhịp, lo lắng không tự chủ, mất ngủ… Em cần thuốc ngủ và âm nhạc của Lý để qua hết những đêm dài. Rồi bằng chính thứ thuốc ấy, em thu lại nụ cười dịu hiền, bỏ lại tôi đến nằm xuống bên cây cỏ.

Một buổi sáng mùa Thu nào, tôi mở mắt nhìn bầu trời trong vắt. Gió se se đầu giường, chiếc gối ướt như có mưa rơi. Ai đó đêm qua lẻn vào phòng, khoét một mảng ký ức trong đầu tôi đem giấu đi đâu mất? Tôi không thể nhớ ra em, giống như đã đánh mất phần quan trọng nhất của con người mình. Suốt một năm giam mình trong phòng, tôi cố gắng hình dung một ánh mắt, một nụ cười, hơi ấm một bàn tay, khuôn miệng xinh nhẩm lời bài hát, những buổi đợi chờ dịu dàng ở cạnh bên ai đó, nhưng không thể nhớ là ai. Tôi bới tung trí óc, mải miết chạy ngược quá khứ, vì tôi biết đó là người quan trọng với mình. Thế rồi ngày đầu tiên bước ra phố sau một năm, những bước chân vô định đưa tôi đến Lặng, cũng là lúc ký ức quay về…

Em lại xuất hiện, đứng bên kia vách kính trong suốt. Người em không ướt dù trời mưa tầm tã, vì mưa xuyên qua cơ thể em. Vòng khăn len màu be quấn quanh cổ che đi nửa dưới gương mặt em, để lại đôi mắt trong suốt như mưa hướng về tôi. Tôi vội tháo chiếc kính xuống, lau hết nước mắt rồi đeo lên. Thấy không, bây giờ anh nhìn thấy em rõ ràng. Anh nhận ra em dù đã từng quên, dù em đứng cách xa anh bao nhiêu hay giữa bao nhiêu con người, dù trời mưa hay nắng,…

Anh hứa sẽ nhận ra.

Tôi chỉ nghĩ thầm trong đầu, nghĩ thầm thôi, vậy mà em như nghe thấy. Em gật đầu, vẫy tay thay cho lời tạm biệt, mỉm cười rồi tan biến.

Âm nhạc lại nổi lên từ góc nào. Khách trong quán lần lượt ra về, bỏ lại tôi cùng tiếng hát trong veo. Tiếng hát trong như cơn mưa, trong như mắt em. Và mặc cho thế gian xoay chuyển, Lý vẫn hát như bao năm qua Lý đã từng:

Ta hứa sẽ nhận ra
Ta đã yêu nhau từ lâu
Ta hứa sẽ tìm nhau
Đến vạn muôn kiếp sau…
Đến bao giờ… thế gian ngừng1.

| Xu | Raxu Nguyễn.

— Truyện ngắn đã đăng trên tạp trí “Trà sữa cho tâm hồn”.
__________
1 Ta hứa sẽ nhận ra – Lê Cát Trọng Lý.

Về tác giả

| Xu |

Author & Founder

Either 10 or 0. Số 10 hoặc số 0. Không có trường hợp khác | Tin tưởng: Những điều tốt đẹp, chỉ cần đủ tốt đẹp, sớm muộn gì cũng sẽ được nhận ra.

Bài cùng tác giả