Sau khi cuốn sách tay đầu tay Nỗi buồn màu xanh lá ra mắt, một số bạn đọc đã inbox nhờ Xu chia sẻ kinh nghiệm khi gửi bản thảo sách, cũng như hỏi về quy trình để một tác phẩm được xuất bản thành sách in. Đa phần các bạn còn rất trẻ (mới học cấp hai, cấp ba), có đam mê viết lách và mong muốn trở thành tác giả nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Vì vậy Xu viết bài này, hy vọng phần nào giúp đỡ được các bạn.

Trước hết, chúng ta cần phải phân biệt và hiểu đúng các khái niệm: Nhà sách, nhà phát hành (NPH) và nhà xuất bản (NXB).

  • Nhà sách (Hiệu sách): Ai cũng biết rồi, là nơi mà bạn tới đó để mua sách. Đơn giản vậy thôi. Nhà sách được chia thành 2 loại: Nhà sách offline và nhà sách online. VD: Tiki, fahasa, bookbuy… đều là các nhà sách online.
  • Nhà phát hành (VD: AZbooks, Nhã Nam, First News…): Đây là nơi mua bản quyền và trực tiếp làm ra các cuốn sách từ khâu tiếp nhận bản thảo đến khi sách đi ra khỏi nhà in và phân phối rộng rãi trên thị trường. Một NPH có thể mở/kết nạp nhiều thương hiệu sách khác nhau tùy theo mục đích kinh doanh (VD: Skybooks, Người Trẻ Việt, Mintbooks… đều là các thương hiệu thuộc nhà AZ). Một số NPH lớn thậm chí sở hữu hệ thống nhà sách offline của riêng họ (VD: Phương Nam).
  • Nhà xuất bản (VD: Văn học, Dân Trí, Lao động…): Hiểu một cách đơn giản, nhiệm vụ chính của các NXB là cấp phép cho các xuất bản phẩm. Vì sách là ngành kinh doanh có điều kiện. Nội dung trong sách ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa – tinh thần của người đọc, nên không phải bạn muốn viết gì cũng được, mà viết xong phải có người kiểm duyệt nội dung tác phẩm của bạn. Các NXB thực hiện chức năng này. Trong một số trường hợp, NXB đồng thời cũng đóng vai trò là nhà phát hành – Tức là họ mua bản quyền và ký hợp đồng trực tiếp với tác giả mà không phải liên kết xuất bản với một bên thứ ba (VD: NXB Trẻ vừa là NXB, vừa là một đơn vị phát hành lớn).

Okie. Vậy tóm lại: Nếu bạn đã có bản thảo tác phẩm hoàn chỉnh và mong muốn được xuất bản thành sách, bạn sẽ gửi bản thảo cho các nhà phát hành hoặc NXB nhé. Tuy nhiên, lời khuyên của Xu là bạn nên gửi cho các đơn vị phát hành trước, nhất là với dòng sách trẻ (Truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn có nội dung gần gũi về tình yêu, thanh xuân…) Thường thì tác giả sẽ gửi bản mềm (file Word .doc hoặc .docx) đến email tiếp nhận bản thảo của các đơn vị. Email này được công khai trên website hoặc fanpage facebook của các NPH, NXB. Thậm chí trên mạng đã có nhiều bài viết tổng hợp sẵn danh sách email cho bạn rồi nên Xu không nhắc lại nữa. Thay vào đó, bài viết này sẽ tập trung vào việc làm thế nào để gia tăng cơ hội bản thảo của bạn được nhận. Vì tin mình đi, nếu bạn là một tác giả mới chưa có tên tuổi, tác phẩm cũng không có gì quá đặc biệt so với phần còn lại, thì điều chờ đợi bạn phía trước chắc chắn là những cái lắc đầu.

Bước 1: Chuẩn bị một bản thảo hoàn chỉnh

Bản thảo, hiểu đơn giản là bản đánh máy hoặc viết tay tác phẩm của bạn. Bản thảo trước hết phải hoàn chỉnh – Tức là nếu bạn viết tiểu thuyết chẳng hạn, thì phải viết đến chương cuối cùng và có kết truyện, không thể chỉ viết một nửa, hoặc 1/3 rồi gửi cho NPH, NXB và nhờ họ “đọc thử”.

Tiếp theo, trình bày bản thảo phải sáng sủa, mạch lạc, không gây khó dễ cho biên tập viên (BTV) khi đọc duyệt. Viết hoa, viết thường, sử dụng dấu câu, chính tả… phải thật chuẩn xác. Không thể hoàn hảo 100% nhưng phải thể hiện được sự cẩn thận tỉ mỉ của bạn. Càng cẩn thận và tỉ mỉ bao nhiêu, điều đó càng chứng minh bạn trân trọng tác phẩm của chính mình bấy nhiêu. Tuyệt đối không sử dụng teencode, chọn lọc nội dung kỹ lưỡng nhằm tránh các yếu tố trái với thuần phong mỹ tục. Nếu gõ bản thảo trên Word, bạn có thể tham khảo 2 cách trình bày mà mình thường dùng sau đây:

Font chữ: Palatino Linotype size 14
Giãn dòng: Multiple 1.15
Khoảng cách giữa các paragraphs: auto
Tạo mục lục tự động (Table of Contents)

Font chữ: Times New Roman size 14
Giãn dòng: Multiple 1.3
Khoảng cách giữa các paragraphs: auto
Tạo mục lục tự động (Table of Contents)

Nói chung, trình bày sao cho bản thảo của bạn dễ đọc và không dùng các font chữ quá đặc biệt là được. Dung lượng lý tưởng cho một bản thảo sách thuộc dòng Văn học trẻ (Truyện ngắn, tiểu thuyết) rơi vào khoảng 50-60.000 từ, với thể loại tản văn có thể ngắn hơn (30-40.000 từ). Không nên viết quá ngắn vì sẽ tạo cảm giác sơ sài (Xu nghĩ tối thiểu cũng phải từ 20.000 từ trở lên). Cũng không nên viết quá dài vì số lượng chữ nhiều đồng nghĩa với số lượng trang (giấy) phải dùng cũng tăng, dẫn đến tăng chi phí sản xuất.

Bước 2: Gửi bản thảo cho NPH, NXB

Đây là bước quan trọng, quyết định một nửa việc bản thảo của bạn có được nhận hay không. Phải gửi đi thì rõ ràng rồi, nhưng gửi cho ai và gửi như thế nào thì phải xem xét. Sau đây là những lưu ý khi bạn gửi bản thảo đến NPH hoặc NXB:

  • Gửi gắm đúng nơi: Bạn nên tìm hiểu một chút về thị trường xuất bản cũng như dòng sách đặc trưng của mỗi NPH, NXB trước khi gửi bản thảo cho họ. VD: SaigonBooks là một đơn vị làm rất nhiều sách kĩ năng và các cuốn tản văn mang thiên hướng an ủi – xoa dịu – tìm kiếm sự bình yên. Vậy bạn gửi cho họ một bản thảo truyện ngôn tình chẳng hạn, bạn nghĩ khả năng được nhận là bao nhiêu? Giống như trong tình yêu vậy, “sự hợp nhau” là điều bắt buộc ngay từ đầu phải có.
  • Cách viết email: Đặt tiêu đề email cũng như tên file đính kèm rõ ràng, thể hiện đầy đủ các thông tin cần thiết: [Bản thảo :thể loại] – Tên tác phẩm – Tên tác giả. VD: [Bản thảo truyện ngắn] – Nỗi buồn màu xanh lá – Xu. File bản thảo đính kèm phải có phần giới thiệu và tóm tắt nội dung tác phẩm (để BTV hình dung được bạn đang viết cái gì), cũng như bao gồm đầy đủ thông tin tác giả như tên tuổi, SĐT, Facebook cá nhân, địa chỉ email (để BTV liên hệ lại nếu bản thảo được nhận). Viết email lịch sự, bình thường, không cần quá kiểu cách hoặc trịnh trọng. Phía dưới là mẫu email của mình để các bạn tham khảo.

Thân gửi ban biên tập XYZBooks,
Em là… một người trẻ yêu thích viết lách.
Em có tác phẩm… mong muốn được hợp tác với bên mình để xuất bản thành sách.
Bản thảo đã được đính kèm trong thư này.
Em sẽ rất vui nếu nhận được phản hồi từ anh/chị.
Cảm ơn & trân trọng!

Tip 1: Đặt tên tác phẩm hay và ấn tượng là một cách thu hút sự chú ý của BTV.
Tip 2: Không nên gửi bản thảo tới nhiều nhà phát hành cùng một lúc, tránh trường hợp khó xử nếu có hơn 1 NPH cùng nhận bản thảo của bạn. Tối đa mình nghĩ nên dừng lại ở con số 3.

Bảng sau thể hiện dòng sách chủ đạo của một số NPH mà Xu quan tâm, theo nhận định chủ quan của mình nên có thể không hoàn toàn chính xác. (Click vào tab để xem):

Truyện ngắn, tản văn gần gũi với thị trường (đề tài tình yêu, thanh xuân…)

Sách tư duy – kĩ năng, tản văn xoa dịu.

Ngôn tình?

Cảm hứng sống, sách dành cho phải đẹp.

Kinh nghiệm gửi bản thảo của mình với cuốn Nỗi buồn màu xanh lá:

Lần 1 – From Xu to NPH A: Một đi không trở lại, không một lời hồi đáp :(.
Lần 2 – From Xu to NPH B: Chào Xu. Mình đã nhận được bản thảo của bạn và sẽ có phản hồi chi tiết lại sau 15 ngày nhé. Và 15 ngày sau: Chào Xu. Ban Biên tập đã đọc bản thảo và đánh giá cao văn phong của bạn. Nhưng theo đánh giá của bộ phận nghiên cứu thị trường, thể loại sách này tạm thời khá kén độc giả, nên… chưa thể nhận bản thảo của bạn được. Mong bạn thông cảm!
Lần 3 – From Xu to NPH C: Chào Xu, bên mình đồng ý xuất bản tác phẩm của bạn…

Một lần bị bơ và 1 lần bị từ chối, mình nghĩ thế là may mắn lắm rồi ^^.

Tip 3: Nếu là tác giả mới, bạn nên tìm đến những thương hiệu sách mới thì cơ hội bản thảo của bạn được nhận sẽ cao hơn. Vì mây tầng nào gặp mây tầng đó. Trong khi bạn chưa có chỗ đứng mà muốn hợp tác với những thương hiệu lớn, thì khả năng cao là một lời hồi đáp từ chối bạn cũng không nhận được đâu.

Bước 3: Ký hợp đồng xuất bản

Ok, nếu bản thảo của bạn được duyệt rồi thì tiếp theo mình sẽ ký hợp đồng xuất bản (hợp đồng tác giả). Hợp đồng này quy định rõ ràng mọi vấn đề liên quan đến việc xuất bản sách của bạn, bao gồm tiền nhận bút, số lượng bản in, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bên…

Tiền nhuận bút thường được tính theo công thức: 10% x số lượng bản in, hoặc trả trọn gói một lần (Tức là họ trả bạn một khoản cố định, 10-15tr chẳng hạn, và họ in bao nhiêu bản sách cũng được). Với những tác giả mới, bạn nên chọn phương án 10% x số lượng bản in. Vì trong trường hợp sách bán được và tái bản chẳng hạn, phía NPH buộc phải thông báo với bạn và trả nhuận bút cho lần tái bản đó. Nói một cách thẳng thắn, luật xuất bản tồn tại nhiều lỗ hổng, và hy vọng các NPH thành thật với tác giả về số lượng bản in có lẽ là điều cũng chỉ để hy vọng mà thôi.

Ngành sách vốn luôn gặp khó do quy mô thị trường nhỏ, nhưng đó không phải cái cớ để bất kỳ ai cho mình cái quyền được sai với người khác. Nhưng trách họ thì chi bằng tự trách mình. Ai bảo bạn chẳng là ai cả. Nhỏ bé thì mãi mãi sẽ phải chịu thiệt thòi. Nên cách duy nhất là bạn hãy trưởng thành thật nhanh, gây dựng một chỗ đứng và vị thế nhất định. Khi đó, bạn có thể dõng dạc mà deal hợp đồng với các NPH rằng: Anh chị cho em một con số, in bao nhiêu bản tùy anh chị, được thì mình hợp tác. Em không ký theo % :v.

Sau khi ký hợp đồng, việc bạn phải làm chỉ là… chờ đợi mà thôi. Mọi công đoạn làm sách, phía NPH hoặc NXB sẽ lo hết. Thông thường, từ lúc tiếp nhận bản thảo của tác giả đến khi có quyết định phát hành chính thức, quá trình này mất từ 3-6 tháng tùy theo tiến độ và kế hoạch xuất bản của NPH. Bạn mình có người phải đợi đến… 2 năm mới được cầm sách trên tay. Trong quá trình làm việc, NPH có thể yêu cầu bạn chỉnh sửa lại bản thảo (thường là cắt ngắn, lược bỏ bớt), chọn một cái tên mới cho cuốn sách, hoặc sau khi họa sĩ hoàn thiện bìa họ cũng sẽ gửi cho bạn xem. Nếu bạn có yêu cầu gì thì cứ thẳng thắn trao đổi với họ (VD: Bìa không được đẹp chị ơi, em muốn người khác vẽ bìa). Dù bạn có là tác giả mới đi chăng nữa nhưng đã ký hợp đồng thì là quan hệ đối tác – hợp tác. Bạn không nên tự đặt mình vào một vị thế dưới họ. Suy cho cùng không phải chỉ là bạn cần họ, mà là cả hai bên đều cần nhau.

Với Xu, Xu luôn thẳng thắn trao đổi với các NPH rằng: Mình biết các bạn BTV cũng chỉ cố gắng làm tốt công việc của mình thôi, nhưng mình không muốn người khác sửa chữ của mình. Các bạn có thể sửa lỗi chính tả hoặc dấu câu, nhưng mình muốn bản thảo của mình viết ra như thế nào, khi đến tay độc giả phải giữ nguyên như thế. Không thêm không bớt một từ nào cả.

Ok, hy vọng những điều mình chia sẻ ít nhiều giúp ích được cho bạn. Trên đây là quy trình và những lưu ý để xuất bản một cuốn sách dành cho tác giả mới. Còn nếu bạn là tác giả đã có lượng follows ổn định rồi, bạn tự tin với chính mình hoặc đơn giản chỉ là có nhiều tiền quá chẳng biết tiêu vào đâu, vậy thì hãy nghĩ đến việc tự mình xuất bản sách (Bài viết: Tự xuất bản sách, bắt đầu từ đâu?).

Mình là | Xu |, rất vui vì chúng ta có duyên gặp gỡ.

Chúc bạn mọi điều tốt đẹp nhất!

| Xu | Raxu Nguyễn.

Về tác giả

| Xu |

Author & Founder

Either 10 or 0. Số 10 hoặc số 0. Không có trường hợp khác | Tin tưởng: Những điều tốt đẹp, chỉ cần đủ tốt đẹp, sớm muộn gì cũng sẽ được nhận ra.

Bài cùng tác giả