Mình sẽ không quên ngày hôm ấy: Ngồi trong ký túc xá ngắm mưa rơi rả rích, trước mặt là chiếc laptop mà hiện tại đã hỏng nhưng mình vẫn chẳng nỡ bỏ đi. Bằng một linh cảm tình cờ nào đó, mình mở phần mềm soạn thảo văn bản MS Word và bắt đầu gõ những dòng truyện ngắn đầu tiên. Từ đó đến nay đã hơn bảy năm, thế giới biến đổi nhanh đến chóng mặt. Mình đã đến mọi nơi cần phải đến, làm mọi việc mà mình buộc phải làm, để trở thành mình của hôm nay.
Con đường của một nhà văn trẻ, nói ngắn gọn thì bằng phẳng ít hơn gập ghềnh, vui ít hơn buồn, và thành quả thì luôn luôn ít hơn sự trả giá. Điều khiến mình tự hào nhất không phải những lời tung hô có cánh hoặc giá trị vật chất nhận được, mà là tình cảm chân thành của các bạn độc giả gần xa, sự gần gũi ấm áp không chút giả tạo, và trái tim vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Bạn thích viết truyện ngắn, truyện dài hoặc tản văn? Bạn muốn trở thành cây viết trẻ nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu? Bạn nghĩ mình có đủ cả đam mê lẫn tài năng, nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại? Hay chỉ đơn giản như bạn đang ấp ủ một cuốn sách của riêng mình, nhưng thậm chí email bản thảo gửi đi còn không được NXB rep lại. Vậy phải làm sao?
Trong bài viết này, Xu sẽ chia sẻ với bạn hành trình trở thành tác giả trẻ của mình, cũng như tất cả những kiến thức & kinh nghiệm Xu biết để giúp bạn đặt một chân lên con đường viết lách. Bài viết được chia làm 3 phần, tập trung vào 3 chủ đề chính: Mindset (Tư duy) – Hành động – Khác biệt > Tất cả. Trước khi bắt đầu, mình có một số lưu ý/lời khuyên nhỏ dành cho bạn:
- Đây là một bài viết thiên về mindset (tư duy). Bởi làm việc gì cũng vậy, phải suy nghĩ kỹ lưỡng đã rồi mới làm. Nếu suy nghĩ ngay từ đầu đã sai lệch, thì dẫn đến hành động sẽ sai lầm, và kết quả đương nhiên sẽ chẳng đi tới đâu cả.
- Những chia sẻ sau đây đến từ một người đã đánh đổi mỏi thứ để có thể tự hào gọi mình là một tác giả trẻ, có thể sẽ không phù hợp với những ai chỉ xem viết lách như một nghề tay trái, có cũng được, không có cũng chẳng sao.
- Bạn hãy tự hỏi bản thân: “Mình có thực sự đam mê viết lách không?” Bởi con đường của một nhà văn trẻ chưa bao giờ trải đầy hoa hồng. Chẳng nói đâu xa, hãy nhìn vào những con số: Năm 2019, tổng doanh thu của cả ngành phát hành sách chỉ đạt 4200 tỉ (Chưa đến 200 triệu USD), 1 người Việt trung bình chỉ đọc 1.2 cuốn sách 1 năm (Không tính sách giáo khoa) – Những con số theo cách nói của Sơn Tùng thì “Mông lung như một trò đùa” vậy. Thị trường nhỏ. Cơ hội vừa ít lại vừa khó. Nên thứ dẫn bạn đi chỉ có thể là đam mê thôi. Nếu không thực sự đam mê thì xin bạn hãy dừng lại khi chưa muộn, để dành thời gian làm những công việc phù hợp hơn.
- Trong giới hạn 1 bài blog, mình không cách nào chia sẻ với bạn chi tiết về một số khía cạnh. Ví dụ có bạn hỏi mình làm sao để xây dựng fanpage triệu follows như Nỗi buồn màu xanh lá. Riêng vấn đề này mình có thể thiết kế hẳn một khóa học online rồi, không thể trả lời trong 1-2 câu vì liên quan quá nhiều khía cạnh và yếu tố chuyên môn. Vậy chúng ta thống nhất với nhau rằng, mình chỉ gợi mở phương hướng, còn đi thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.
Ok, chúng ta bắt đầu nhé…
Mindset (Tư duy)
1. “Sống” trước đã, rồi mới viết.
Mình không biết các tác giả khác thế nào, nhưng riêng mình, mình không tin vào kiểu văn chương “Ngồi một chỗ rồi tưởng tượng”. Dù một số thể loại như truyện ngắn hoặc tiểu thuyết vốn dĩ là hư cấu, nhưng chất liệu để tạo nên tác phẩm bắt buộc phải xuất phát từ trải nghiệm và cảm xúc thực tế. Bạn theo đuổi chủ nghĩa lãng mạn? Vậy thì hãy yêu đương nồng nhiệt, dốc lòng dốc sức thấu hiểu tình cảm. Bạn nặng lòng về thân phận con người? Vậy thì hãy đi đến hang cùng ngõ hẻm, tận mắt chứng kiến những mảnh đời khốn khó. Kiểu như vậy…
Nhiều bạn thường hỏi: “Làm sao để viết hay?” Nhưng câu hỏi nên sửa lại thành: “Làm sao để sống hay?” mới đúng.
2. Có một “cái tôi” đủ lớn.
Một em tác giả từng nhờ mình đọc hộ bản thảo để đưa ra nhận xét / góp ý. Và mình đã nói rằng: “Ý kiến của anh chẳng có giá trị gì với em cả. Nếu em tự tin mình đang đi đúng hướng thì cứ tiếp tục. Không cần phải hỏi ai hết.” Khi lựa chọn những công việc gắn liền với cảm xúc và thế giới nội tâm, bạn phải có một “cái tôi” đủ lớn để không bị nghiêng ngả bởi những tác động bên ngoài. Đừng hỏi người khác họ có thích những điều bạn viết không? Bạn cầm bút đâu phải vì sự đồng tình của số đông? Bạn viết vì cảm xúc bên trong bạn cần một tiếng nói, con người bạn cần một phương thức để biểu đạt. Những người đồng điệu với bạn, họ tự nhiên sẽ ở lại.
Ernest Hemingway – Tác giả nổi tiếng của “Ông già và biển cả” có lần đã gửi hẳn một lá thư gửi cho Nhà xuất bản để bảy tỏ sự giận dữ vì tác phẩm của ông bị biên tập (chỉnh sửa) quá đà. Ông viết: Anh cần phải hiểu rằng, nếu có bất kỳ điều gì cần phải cắt bỏ hay thay đổi thì chỉ có tôi mới là người có quyền làm việc đó. Chữ của tôi không phải là thứ anh có thể tùy tiện thêm bớt, thay đổi...
3. Nội tâm mạnh mẽ. Chịu đựng được định kiến.
Cái này thì quá rõ ràng rồi. Bạn cứ nói với bố mẹ mình rằng bạn muốn trở thành một nhà văn xem, thế nào cũng bị nhìn với ánh mắt như người đến từ hành tinh lạ. Sống với danh xưng “tác giả trẻ” ở nước ta thật sự khó. Không chú tâm học tập, trau dồi thì bị nói cái bọn đấy suốt ngày ăn chơi, chẳng đóng góp được gì cho xã hội. Tìm được niềm đam mê và quyết định dấn thân, theo đuổi thì lại bị đánh đồng: “Dăm ba cái thể loại ngôn tình chẳng có giá trị gì”. Vậy phải làm sao?
Đường mình mình đi. Người khác nghĩ gì, nói gì không quan trọng. Yếu đuối trong trường hợp này không phải một lựa chọn. Nghề viết vốn nhận nhiều định kiến, đơn giản chỉ vì “Văn chương chữ nghĩa rẻ hơn bèo”. Sống trong thời đại tiền bạc, vật chất được lấy làm quy chuẩn, những giá trị tinh thần vốn không được xem trọng lại càng bị chà đạp, hạ thấp. Nhưng mình ở đây để nói với các bạn rằng: Mình không những sẽ sống được, mà thậm chí sẽ làm giàu nhờ viết văn, nhờ sách. Và hy vọng bạn cũng vậy. Đừng bao giờ nghĩ theo kiểu sợ sệt, bàn lùi. Hãy tư duy ngược dòng: “Nếu ở Việt Nam chưa có ai trở thành triệu phú nhờ viết sách, thì mình sẽ là người đầu tiên.” Nhà văn chân chính không nặng nề chuyện tiền và danh. Nhưng người có tài thì không nên vất vả mãi. Chấp nhận sống trong nghèo khó tức là bạn đang có lỗi với chính đam mê của mình.
4. “Lòng đố kỵ” là tử huyệt.
Tin mình đi, 10/10 tác giả mình quan sát trong suốt những năm qua mang theo tâm đố kỵ, đến cuối cùng đều chẳng đi đến đâu. Để có thể viết tốt thì cần hai yếu tố: 1. Cái đầu thông suốt – 2. Trái tim nhẹ nhàng thuần khiết. Văn học nói chung, mục đích là để hướng con người đến những giá trị tốt đẹp. Nên bản thân người viết nếu vẫn còn nặng nề chuyện hơn – kém, thì rất khó chạm vào được trái tim độc giả.
Hồi mới bắt đầu viết, Xu cũng đã từng thắc mắc rằng người này người kia viết bình thường như vậy, đọc vừa chán vừa nhạt mà chẳng hiểu sao lại nổi thế. Sau này mới dần dần nhận ra, bất kỳ thành công nào cũng đều có lý do của nó. Nếu không thể thành tâm chúc phúc, vậy thì lặng lẽ bước qua là được rồi. Trái tim phải mang vác quá nhiều, tất yếu sẽ chẳng thể tiến xa. Hãy tập trung vào bản thân, thay vì tìm cách đặt mình lên bàn cân với những người khác.
5. Know your value: Vô tư trên trang viết – Thực dụng trên hợp đồng.
Khi ký hợp đồng với các đơn vị phát hành, mức nhuận bút tác giả nhận được cho một cuốn sách thường dao động trong khoảng 8%-10% x giá bìa x số lượng bản in. Nếu bạn là một tác giả mới, chưa có tác phẩm từng xuất bản thì thôi bao nhiêu cũng được. Trong bối cảnh thị trường nhỏ, cơ hội dành cho tác giả mới không nhiều, các đơn vị “mạnh dạn” nhận làm sách của tác giả Việt là điều đáng được ủng hộ, chưa kể một số nơi còn chi ngân sách cho hoạt động PR, truyền thông cuốn sách của bạn nữa.
Tuy nhiên, nếu bạn là một tác giả đã thành danh, có lượng độc giả trung thành cùng số lượng sách bán ra ổn định. Vậy thì nhất định phải “Know your value” – Biết giá trị của mình đến đâu và đừng đặt bút ký vào hợp đồng một cách dễ dãi. Vô tư trên trang viết chứ đừng vô tư trên hợp đồng. Kinh doanh là nói đến doanh thu – lợi nhuận, tình cảm nên gạt sang một bên. Mình đưa ra đánh giá dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của một người đã tự tay làm nhiều dự án sách, có hiểu biết nhất định về một số khía cạnh trong kinh doanh như giá vốn, margin… Mình có thể “mạnh dạn” nói rằng mức 10% đối với tác giả có số lượng in tác phẩm lần đầu từ 5000 trở lên là một mức chia sẻ có phần không fair với tác giả.
Hành động
1. Viết đều đặn. Đặt tiêu chuẩn cao.
Sau bài viết Làm thế nào để xuất bản một cuốn sách, nhiều bạn trẻ đã liên hệ với mình để hỏi rõ hơn các vấn đề liên quan đến quy trình xuất bản, trong đó có những em học sinh mới đang học… cấp hai. Sở hữu một cuốn sách có tên mình trên trang bìa hẳn là ước mơ của rất nhiều người. Nhưng cá nhân mình cho rằng: Ở giai đoạn đầu, khi trải nghiệm sống chưa phong phú cũng như ngòi bút chưa đạt “độ chín”, bạn tạm thời đừng nghĩ đến việc xuất bản sách vội.
Nếu bạn thích viết, vậy thì hãy cứ viết. Viết đều đặn mỗi ngày, với một niềm đam mê thuần khiết nhất. Tự viết rồi tự đọc lại, chỉnh sửa cho đến khi ưng ý. Khi những điều bạn viết khiến bạn thật sự hài lòng và xúc động thì mới bắt đầu nghĩ xa hơn.
Mọi người biết đến Xu chủ yếu qua hai cuốn sách “Nỗi buồn màu xanh lá” (Truyện ngắn) và “Hãy là tất cả, hoặc không là gì” (Tản văn). Nhưng ít ai biết tác phẩm đầu tiên mình viết lại là truyện dài, một bản thảo hơn 60.000 từ không bao giờ được xuất bản. Sau này, thỉnh thoảng mình vẫn nhớ lại những ngày ấy: Ở trên lớp chỉ mong nhanh nhanh đến giờ về để hoàn thiện bản thảo. Bạn bè hỏi lý do tác phẩm không được xuất bản. Mình bảo: “Vì mình đã không gửi đi. Mình nghĩ nó không đủ tốt!”
2. Tham gia hội nhóm. Kết bạn với những người giống mình.
Viết lách là một hành trình cô độc, vì vậy hãy chủ động tìm kiếm những người bạn đồng hành. Danh tiếng không phải đích đến cuối cùng trên hành trình viết lách, nhưng không có danh tiếng thì giấc mơ khó thành. Vậy làm sao để mọi người biết đến mình? Có 2 cách:
- Bạn giống như mặt trời, mọi người sẽ tự động bị ánh sáng của bạn thu hút.
- Bạn mở lòng và chủ động tìm đến với mọi người.
Đa phần chúng ta rơi vào trường hợp thứ 2. Ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội, việc kết nối và tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Bạn chỉ cần gõ từ khóa vào thanh công cụ tìm kiếm của Facebook, hàng trăm groups lớn nhỏ dành cho những bạn trẻ yêu thích viết lách sẽ tự động xuất hiện. Hãy tham gia một vài groups chất lượng nhất: Đăng bài, học hỏi, giao lưu, kết nối với những người có nhịp tim đồng điệu với bạn. Đừng quên: Nút “Add Friend” luôn miễn phí.
Thế giới văn chương cũng giống như một “showbiz” thu nhỏ vậy, cũng có “yêu hận tình thù” chứ không phải “sóng yên biển lặng” như mọi người thường nghĩ, dù mức độ ít hơn hẳn. Vì vậy kết bạn với người như thế nào cũng là điều bạn nên cân nhắc.
3. Đọc sách đúng cách + Sống dưới góc nhìn người viết.
Khi đọc sách, nếu bắt gặp một tình tiết sáng tạo hoặc một từ ngữ gây ấn tượng mạnh, bạn sẽ làm gì? Người bình thường hẳn chỉ thốt lên “Hay quá!”, sau đó lật sang trang kế tiếp Nhưng một tác giả “chân chính” trong trường hợp này sẽ dừng lại và đánh dấu đoạn văn đó, thậm chí note cả vào sổ tay. Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về “Sống dưới góc nhìn người viết”. Dù bạn đang xem phim hay đi tản bộ, ăn cơm hay nghỉ ngơi, trò chuyện hay im lặng… Bạn luôn phải ý thức rằng mình là một người viết. Những điều mọi người vô tình lướt qua, bạn phải dừng lại và dụng tâm ghi nhớ, quan sát, suy ngẫm, cảm nhận… Bởi ít có người nào làm nghệ thuật đến đỉnh cao lại sống vội lắm! Rất ít.
Về việc đọc sách: Tác giả thì đương nhiên phải đọc sách rồi. Nhưng đọc như thế nào cho đúng và biến những thứ đọc được trở thành động lực cho ngòi bút của bạn? Mình đề xuất 2 cách đọc sau đây:
- Đọc nhanh và đọc nhiều thể loại sách khác nhau, để não bộ tiếp thu tự nhiên, với mục đích đa dạng hóa chất liệu trong sáng tác.
- Đọc ít, chậm nhưng kỹ. Chỉ đọc những cuốn sách mình thực sự yêu thích và đọc đi đọc lại nhiều lần. Chủ tâm ghi nhớ những điểm đặc sắc để từ đó áp dụng vào phong cách sáng tác của mình.
Cá nhân mình chọn cách đọc thứ 2, một phần vì bản thân không phải người chăm đọc sách lắm.
4. Độc giả là tài sản quý giá nhất.
Không phải danh tiếng, không phải tiền bạc, giải thưởng hoặc sự thừa nhận, độc giả mới là tài sản quý giá nhất đối với một tác giả. Thực tế đã chứng minh, mình đi đến ngày hôm nay hoàn toàn đều nhờ sự yêu mến và ủng hộ vô điều kiện của độc giả. Một nhà văn cầm bút, mục đích đầu tiên là để thỏa mãn “cái tôi” của mình, nhưng mục đích sau cùng thì luôn hướng đến lan tỏa những giá trị tốt đẹp, điểm xuyết trong bóng tối một vài ánh sao. Nghệ thuật nếu không đi vào cuộc sống, trái tim nếu không gặp được trái tim, thì thứ nghệ thuật ấy không có nhiều giá trị.
Mọi người lấy làm lạ khi thấy mình kiên nhẫn ngồi rep hàng trăm comment của độc giả? Còn mình lại cho rằng: “Nhân duyên đưa chúng ta đến bên nhau, nhưng để giữ nhau lại thì cần cả hai cùng nhau nỗ lực.” Bạn như thế nào mình không kiểm soát được. Nhưng về phần mình, mình luôn cố gắng hết sức.” Chỉ đơn giản thông qua việc giao lưu, lắng nghe độc giả của mình, tác giả có thể tìm thấy rất nhiều “linh cảm” trong sáng tác.
Khác biệt > Tất cả.
Mình biết có không ít tác giả, vì yêu thích một tác phẩm nào đó hoặc thần tượng một tác giả đi trước mà học theo lối viết của họ. Đây hoàn toàn không phải chuyện xấu. Bởi ngôn từ, quanh đi quẩn lại chỉ có chừng ấy nguyên tố, quan trọng là kết hợp với nhau thế nào để tạo thành một style không trộn lẫn. Văn học nói chung và nghệ thuật nói riêng không phải đóng cửa rồi bảo: Tôi đã nghĩ ra chi tiết này hoặc sử dụng phép so sánh này rồi thì nó là của tôi, anh không được dùng nữa. Không phải. Nghệ thuật phải nối dài, tiếp tục khơi gợi nghệ thuật thì những giá trị tốt đẹp mới được lan tỏa, và khi ấy, bản thân nghệ thuật mới có ý nghĩa. Nhưng có một ranh giới mong manh giữa học tập – tiếp thu – biến cái của người khác thành của mình và bắt chước, copy, thậm chí đạo văn.
Vậy làm sao để xác định được ranh giới này? Rất khó nói, bởi đây là vấn đề thuộc về đạo đức và quan điểm dưới góc nhìn chủ quan, chứ không có công thức để tính toán rạch ròi. Vậy bạn cứ nghĩ đơn giản thôi: Hãy viết sao cho khi tác phẩm ra mắt, mọi người không liên tưởng bạn với những tác giả đi trước là được. Chăm chỉ học hỏi nhưng đừng làm cái bóng của bất kỳ ai. Tình cảm có thể dừng ở mức yêu quý, ngưỡng mộ, nhưng nên hạn chế “thần tượng” và tuyệt đối không “phát cuồng”. Bởi sở hữu “cái tôi riêng”, tức sự khác biệt không trộn lẫn, là phẩm chất quan trọng bậc nhất với một người cầm bút. Khi quá thần tượng một ai đó, chúng ta rất dễ bị những suy nghĩ, quan điểm của họ ảnh hưởng và phần nào đánh mất “cái tôi” của mình.
Trên đây là những chia sẻ của mình về con đường để trở thành một nhà văn trẻ. Mọi lý giải đều xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân nên có thể sẽ không đúng với bạn. Mong bạn gìn giữ một tư duy độc lập, kiên định với lựa chọn của bản thân, từng bước vững vàng đi hết con đường thuộc về bạn.
Và nếu có ngày những con đường tình cờ giao cắt, biết đâu chúng ta sẽ gặp nhau?
| Xu | Raxu Nguyễn.
Comments